Sau khi đã sắm cho mình một thân máy ảnh ưng ý, dù đó là máy cơ chụp thủ công hay máy ảnh số DSLR, điều còn lại làm nhiều người chơi ảnh, kể cả dân chuyên nghiệp phải băn khoăn suy tính, cân đối túi tiền và giá trị sử dụng cũng như chất lượng hình ảnh chính là tìm kiếm những ống kính phù hợp với mục đích chụp ảnh của mình.
Một thân máy hoàn hảo trong tay một người sành sỏi về kỹ thuật sử dụng và nghệ thuật nhiếp ảnh cũng không thể thiếu một ống kính chất lượng cao mới có thể cho ra đời được những tác phẩm hài lòng người xem. Dù túi tiền eo hẹp đến đâu, thì lời khuyên đầu tiên vẫn là hãy tập trung mua 01 (viết bằng chữ: Một) ống kính chất lượng còn hơn sắm hai hay nhiều ống kính rẻ tiền kém chất lượng, bởi bạn luôn có cơ hội mua thêm ống kính sau này để sử dụng lâu dài ngay cả khi bạn muốn nâng cấp thân máy lên những đời máy hiện đại hơn. Một ống kính có chất lượng cao luôn là tài sản đáng giá với giá trị “thanh khoản” cao của nhiếp ảnh gia. Ống kính tốt nên được cân nhắc kỹ lưỡng hơn một thân máy tốt và mới giúp bạn ghi lại những hình ảnh chất lượng. Hãy luôn luôn cân nhắc để tậu một ống kính tốt nhất với túi tiền mà bạn hiện có, bạn sẽ không bao giờ phải hối hận vì đã mua một ống kính chất lượng cao.
Các tiêu chí để đánh giá chất lượng một ống kính
Sau khi đã quyết định mục đích chụp ảnh để chọn mua loại ống kính thích hơp, người chơi ảnh cần cân nhắc các tiêu chí tạo thành một ống kính chất lượng tốt:
- Chất lượng các thấu kính / loại kính sử dụng để chế tạo các thấu kính và đặc tính của các chất liệu đó
- Các lớp phủ bề mặt thấu kính
- Mức độ quang sai (gồm cầu sai và sắc sai)
- Mức độ chắc chắn của kết cấu ống kính, vỏ ống kính
- Khả năng căn nét chính xác nhanh, êm; các chuyển động bên ngoài vỏ ống kính trong quá trình căn nét
- Các tính năng như căn nét tự động, chống rung, chống lóa cục bộ, chống hiện tượng bóng ma, v.v…
- Các tiện ích trong khi sử dụng như các lẫy chuyển đổi, khóa tụt ống, các vòng hiệu chỉnh, v.v…
- Các đặc điểm khác chất liệu vỏ ống kính, kích thước và trọng lượng của ống, v.v…
Nhưng làm thế nào để có thể lựa chọn ống kính phù hợp với mục đích sử dụng? Để làm được điều này, bạn cần hiểu được tính năng của các loại ống kính để lựa chọn ống kính phù hợp. Sau đây là các loại ống kính với những tính năng đặc trưng giúp bạn trả lời được những câu hỏi thường thấy nhất khi lựa chọn các loại ống kính.
Có nên chọn mua ống kính “kit” được quảng cáo bán kèm theo máy?
“Kit” là từ tiếng Anh có nghĩa là “bộ dụng cụ đi kèm với nhau” hay “theo bộ”. Các ống này thường được tung ra thị trường kèm với một hay nhiều loại thân máy mà nhà sản xuất quảng bá. Đặc điểm của các ống này là có giá tiền trung bình nhưng chất lượng thường vào loại “xoàng”, chủ yếu phục vụ những người mới chơi máy ảnh hay có “tài khoản” quá eo hẹp nhưng vẫn có ống kính mà chụp – vì bạn không thể chụp ảnh chỉ bằng thân máy DSLR được! Chất lượng các ống này thấp hơn nhiều so với các ống kính bán rời; giá thành và giá bán rẻ bởi mỗi thứ đều được “bớt” đi một chút như loại kính sử dụng rẻ tiền hơn, công nghệ thấp hơn, v.v… Cực chẳng đã mới phải mua một ống “kit” để chơi tạm; còn nói chung, nếu bạn thấy có thể “cố dấn” lên đôi chút thì nên suy nghĩ lại và tìm mua các ống kính chất lượng cao bởi ngoài chất lượng kém hơn, những ống “kit” này còn khó bán lại sau này khi bạn nhận ra chất lượng trung bình của ống.
Nên chọn ống kính tiêu cự cố định (prime lens) hay ống kính tiêu cự thay đổi có thể phóng to thu nhỏ (zoom lens)?
Ống kính tiêu cự cố định (prime / fixed lens) chỉ có một tiêu cự duy nhất; ngược lại các ống zoom có tiêu cự thay đổi giúp bạn đặt máy ở một vị trí cố định nhưng vẫn có thể xoay hay kéo zoom để thu gần khoảng cách chụp – tức thu hẹp hay phóng lớn góc ảnh. Một trong những loại ống kính tiêu cự cố định phổ biến nhất là ống tiêu cự 50mm (trước kia thường bán kèm theo các máy cơ); ống tiêu cự 50mm được coi là một ống tiêu chuẩn và có góc ảnh và phối cảnh giống với mắt thường nhất. Đặc điểm của các ống tiêu cự cố định là cho hình ảnh có độ chính xác quang học cao. Để chụp được hình ảnh trung thực nhất, nên chọn các ống kính tiêu cự cố định. Các ống tiêu cự cố định khoảng 70mm-135mm như Nikon 80mm, 105mm hay Canon 85mm, 100mm, 135mm thường được sử dụng để chụp chân dung với chất lượng hình ảnh cao và cho phép tạo những hiệu ứng xóa phông (shallow depth of field/ DOF) vừa phải của tầm tiêu cự này, còn được gọi là tầm tiêu cự chụp xa trung bình (medium telephoto).
Tuy nhiên, với các ống tiêu cự cố định bạn sẽ phải tiến lại gần chủ thể để chụp cận cảnh hơn hay tiến ra xa để mở rộng góc nhìn – thường được giới chơi ảnh ở Việt Nam gọi đùa là “zoom bằng chân”, vì thế không đạt được tính “đa năng” và “cơ động” như các ống zoom đem lại. Trong nhiều trường hợp cần thay đổi nhanh tiêu cự, bạn sẽ cần tới một ống zoom có khả năng nhanh chóng thay đổi tiêu cự – bằng cách xoay vòng tiêu cự hoặc kéo ra kéo vào – để nhanh chóng đưa hình ảnh xa hay gần vào khuôn hình theo tỷ lệ mong muốn. Tuy nhiên, nhược điểm của các ống zoom thường là chất lượng hình ảnh không sắc nét bằng các ống tiêu cự cố định, nhiều ống giá thành thấp thường có chất lượng không ổn định và “công lực” thay đổi theo chiều dài tiêu cự do những thách thức về công nghệ sản xuất ống kính. Bạn luôn phải cân nhắc để dung hòa giữa mức độ tiện lợi của một ống zoom so với chất lượng vượt trội của một ống kính tiêu cự cố định trong khi quyết định sử dụng một trong hai loại.
Nên mua ống kính chính hãng hay của các hãng sản xuất ống kính độc lập?
Các ống kính của chính các hãng sản xuất máy ảnh nổi tiếng như Nikon, Canon hay Pentax thường cho chất lượng hình ảnh và độ tương thích tốt nhất khi sử dụng với các thân máy của chính hãng đó sản xuất. Tuy nhiên, những ống kính chính hãng bao giờ cũng có giá rất cao, khiến nhiều người chơi ảnh nghiệp dư không thể theo kịp; hơn nữa không phải ống kính chính hãng nào cũng đều hoàn hảo cũng như hoạt động đúng với những gì mà hãng đó quảng cáo. Cách tốt nhất để tìm hiểu về một ống kính cụ thể là phải chụp thử để kiểm tra và phân tích chất lượng để đi đến kết luận thực tế; trong trường hợp không có điều kiện chụp thử, bạn có thể tìm hiểu các bài đánh giá (review) cho ống kính bạn đang quan tâm của các chuyên gia để có được quyết định chính xác nhất với khoản tiền đầu tư không nhỏ của mình.
Một giải pháp khác là sử dụng ống kính của các hãng chuyên sản xuất ống kính phục vụ cộng đồng nhiếp ảnh đa dạng như các hãng Tamron, Tokina hay Sigma. Mặc dù có giả cả thông thường rẻ hơn, có cái cùng chủng loại với ống chính hãng nhưng rẻ tới một nửa giá, các ống này trước đây có thể không được nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp đánh giá cao vì chất lượng thấp, vả lại “dân chơi” hay có tâm lý chê bai, coi thường những ai chơi ống “pho” (for: dành cho) vì cho như vậy là không sành điệu. Tuy vậy, trong thời gian gần đây, các hãng chuyên sản xuất các ống “pho” này đã có những tiến bộ vượt bậc về công nghệ và cho ra lò những ống kính sánh ngang ngửa với các ống kính chính hãng có cùng tính năng, ở một số trường hợp thậm chí còn vượt mặt ống kính chính hãng về độ sắc nét và chất lượng hình ảnh. Nếu thật sự ngân quĩ chưa cho phép bạn chơi những ống chính hãng nổi tiếng về chất lượng, hãy đừng ngần ngại thử nghiệm – và qua các bài đánh giá cửa giới chuyên nghiệp – các ống “pho” để có công cụ phù hợp giúp bạn sáng tạo với tay máy và con mắt nghệ thuật của mình.
Một ống kính têlê 500mm và một ống tiêu chuẩn 50mm
Nên chọn ống kính tiêu cự loại nào?
Ống kính máy ảnh có thể được phân loại theo tầm tiêu cự của ống. Thông thường có ba loại: (1) ống tiêu chuẩn (standard), ống góc rộng (wide angle) và ống chụp xa tê-lê (telephoto).
Phân loại ống kính theo tiêu cự:
- Ống kính góc siêu rộng (super/ extreme wide angle lens): Có tiêu cự dưới 21mm (dành cho chụp ảnh kiến trúc và phong cảnh)
- Ống kính góc rộng (wide angle lens): Tiêu cự 21-35mm (dùng cho chụp ảnh phong cảnh)
- Ống kính tiêu chuẩn / thông thường (standard/normal lens): Tiêu cự 35-70mm (chụp đường phố, ảnh tư liệu)
- Ống kính tê-lê tầm trung (medium telephoto lens): Tiêu cự 70-135mm (chụp chân dung)
- Ống kính tê-lê tầm xa (telephoto lens): Tiêu cự 135mm và dài hơn (chụp thể thao, chim trời, động vật hoang dã, v.v…)
* Ghi chú: Các tiêu cự này qui chuẩn theo máy ảnh toàn khổ 35mm. Đối với các máy ảnh DSLR có gắn cảm biến cúp nhỏ (ASP-C) cần nhân với hệ số cúp nhỏ (crop factor) để có tiêu cự tương ứng.
Khi nào sử dụng ống kính góc rộng và siêu rộng?
Các ống góc rộng và siêu rộng có khả năng thu gọn vào khuôn hình một khoảng không gian lớn hơn (góc ảnh rộng hơn) và có tính năng tạo được chiều sâu ảnh trường (depth of field / DOF) rất sâu khiến tất cả các đối tượng trong khuôn hình đều căng nét. Điều này cho thấy các ống kính góc rộng phù hợp với chụp ảnh phong cảnh với không gian rộng lớn và đòi hỏi mọi đối tượng trong khuôn hình đều căng nét. Các ống góc siêu rộng giúp nhiếp ảnh gia chụp được những vật thể đồ sộ ở khoảng cách (distance) ngắn hơn nên rất phù hợp với chụp ảnh kiến trúc.
Khi nào sử dụng ống kính chụp xa tê-lê?
Ngược lại với các ống kính góc rộng, các ống kính tê-lê cho phép đưa các chủ thể nhỏ ở xa vào đầy khuôn hình, cộng với tính năng tạo ảnh trường nông nên rất phù hợp với các mục đích chụp thể thao cận cảnh các vận động viên, chụp chim trời bay lượn hay động vật hoang dã mà nhiếp ảnh gia không thể tiếp cận gần hơn khi chụp. Các ống tê-lê tầm trung, với tính năng tạo chiều sâu ảnh trường ở mức vừa phải nên phù hợp với mục đích xóa phông (blur background) hay tạo bokeh (hiện tượng nhòa mờ và mịn ngoài vùng căn nét) nên phù hợp với chụp ảnh chân dung trong đó chủ thể cần được làm nổi bật và sắc nét để thu hút sự chú ý của người xem hơn so với hậu cảnh và xung quanh bị nhòa mờ.
Ống kính macro/micro và tính năng sử dụng
Các ống kính macro (macro lens – riêng Nikon gọi là micro lens), đúng như tên gọi của nó, được sử dụng để chụp cận cảnh phóng to các chủ thể có kích thước rất nhỏ như côn trùng, hoa lá hay các chi tiết máy nhỏ xíu. Hình ảnh sẽ được phóng to sau khi chụp để làm lộ rõ những chi tiết mà mắt thường không thể nhìn rõ được. Với công dụng phóng to hình ảnh như có ở kính hiển vi, người chụp có thể căn nét để chụp các đối tượng có kích thước bé ở cự ly rất gần, ví dụ 5cm mà các ống kính thông thường không thể làm được. Ống kính macro cho những hình ảnh nhiều chi tiết và có độ sắc nét cao. Do khi sử dụng ống macro để căn nét chính xác, nhiếp ảnh gia thường chuyển sang chế độ căn nét thủ công (manual focus) nên ở nhiều ống kính macro (hoặc khi chuyển sang chức năng macro) không có chế độ căn nét tự động (autofocus/AF). Các ống macro có tỷ lệ 1:1 cho phép thể hiện vật thể muốn chụp theo kích thước thật trên cảm biến (hay phim), ví dụ một con kiến kích thước 2.5mm sẽ có hình ảnh với kích thước đúng bằng 2.5mm trên cảm biến. Các ống kính macro có tầm tiêu cự tê-lê trung bình cũng có thể sử dụng để chụp ảnh chân dung với chất lượng rất tốt.
Ống kính có chức năng điều chỉnh phối cảnh (perspective/shift control lens)
Trong trường hợp muốn chụp các chủ thể rất cao như các tòa nhà, để tránh hiện tượng hình ảnh bị đổ ngửa về phía trước quá mức do máy phải đặt chụp theo một góc nghiêng từ dưới mặt đất mới thu được toàn bộ chiều cao của tòa nhà, người ta sử dụng các ống kính cho phép điều chỉnh phối cảnh để có thể đặt máy thẳng đứng mà vẫn chụp hết được chiều cao cần chụp. Đây là những ống kính rất đắt tiền do đòi hỏi công nghệ sản xuất phức tạp và số lượng sản xuất hạn chế.
Ống kính tốc độ nhanh (high speed lens)
Bạn có thể ngạc nhiên vì ống kính cũng có tốc độ! Quả thực khái niệm này đã làm nhiều người mới chơi ảnh thắc mắc. Vấn đề không đến nỗi khó hiểu nếu bạn biết được rằng tốc độ ở đây chính là khẩu độ mở. Do mỗi ống kính đều có giới hạn khẩu độ mở lớn nhất (maximum aperture) nên ảnh hưởng tới tốc độ cửa chập để tạo giá trị phơi sáng thích hợp cho ảnh. Về cấu tạo, mỗi ống kĩnh đều có một lỗ điều tiết ánh sáng lọt qua để đi tới phim hay cảm biến (sensor). Mục đích chính của việc điều chỉnh mở to lỗ lọt sáng này (aperture) là để ánh sáng thu vào nhiều hơn, làm cho ảnh sáng hơn. Điều này đồng nghĩa với việc tạo điều kiện tăng tốc độ cửa chập (shutter speed) mà hình ảnh vẫn đủ sáng trong điều kiện ánh sáng yếu. Vì vậy các ống kính có khẩu độ mở tối đa lớn, thường từ f/2.8 trở xuống – Chú ý: chỉ số khẩu độ mở càng nhỏ thì khẩu độ mở càng lớn – được gọi là các “ống kính tốc độ nhanh”. Các ống kính có khẩu độ mở lớn thường có giá rất cao do đòi hỏi công nghệ sản xuất phức tạp hơn.
Ống kính chống rung
Một trong những điều kiện tiên quyết đối với nhiếp ảnh gia là tay máy không được rung vì nếu rung máy lúc bấm chụp, hình ảnh sẽ bị nhòe và bức ảnh coi như bỏ đi dù ánh sáng có đẹp đến đâu chăng nữa. Trên thực tế, độ nét của hình ảnh luôn được ưu tiên hàng đầu và vì thế chân máy (tripod) luôn là người bạn thân thiết với ngay cả nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều bối cảnh chụp ảnh, bạn sẽ không thể mang theo hoặc đủ thời gian và không gian để thong thả đặt máy lên chân máy và ngắm nghía hồi lâu mới bấm máy. Để khắc phục hiện tượng rung tay máy khi chụp cầm tay (hand holding) bạn cần học các tư thế ép cánh tày, tỳ máy lên trán, v.v… nhưng đôi khi không khắc phục hết hiện tượng này ở những tốc độ chụp chậm tối thiểu cho phép. Tuy nhiên, nỗi lo rung máy phần nào đã được làm vợi bởi những công nghệ sản xuất ống kính hiện đại đã cho ra đời nhiều loại ống kính có chức năng chống rung với đủ loại ký hiệu khác nhau như VR (vibration reduction) của Nikon, IS (image stablization) của Canon hay VC (vibration compensation) của Tamron. Dù với tên gọi nào, tựu chung cũng chỉ thực hiện một chức năng duy nhất là chống rung. Các ống kính chống rung được sản xuất với nhiều công nghệ khác nhau như gắn cảm biến nhận biết tần số rung để điều chỉnh một hay nhiều thấu kính hay tích hợp hệ thống trượt tự động cho các thấu kính, v.v… Có nhiều ống kính chống rung trên thực tế có thể giảm rung tới 4 bước (4 stops), tức là có thể giúp bạn giảm tốc độ chụp xuống 4 cấp mà vẫn không bị nhòe ảnh, tạo điều kiện chụp ảnh có ánh sáng đẹp trong những hoàn cảnh ánh sáng môi trường yếu mà không muốn hay không thể dùng đèn ảnh flash. Chức năng chống rung luôn là một yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn ống kính nếu bạn hay phải chụp ảnh ở tư thế cầm máy.
Ống kính có gắn mô-tơ
Để phục vụ mục đích căn nét tự động có ở hầu hết các máy ảnh kỹ thuật số ống kính đơn phản xạ DSLR ngày nay, có nhiều loại ống kính có gắn những mô-tơ bên trong với hệ thống cơ học và/hoặc điện tử kết nối với thân máy để thực hiện chức năng căn nét tự động này (auto focus / AF). Khi lựa chọn ống kính, bạn cần tìm hiểu cơ chế hoạt động và kết nối của mô-tơ trên ống xem có tương thích với thân máy đang sử dụng hay không. Có nhiều thân máy chỉ sử dụng được chức năng căn nét tự động khi lắp các ống kính có mô-tơ, vì vậy bạn cần thận trọng với thông số này trên ống kính đang quan tâm.
Thấu kính hay “thấu nhựa”?
Điều chẳng có gì ngạc nhiên là bên trong các ống kính có gắn một hay nhiều thấu kính mà theo nhiều người nhầm tưởng là luôn làm bằng chất liệu kính (glass). Trên thực tế, ở nhiều ống kính loại “hàng chợ” rẻ tiền, các chi tiết này được làm từ chất liệu nhựa tổng hợp (plastic) mà thông thường có chất lượng hình ảnh kém hơn (và vì thế rẻ hơn) so với các thấu kính bằng kính cao cấp thứ thiệt. Khi lựa chọn ống kính, nếu thấy trọng lượng ống kính có phần nhẹ hơn so với kích thước bề ngoài của ống kính, bạn nên kiểm tra các thông số và tìm hiểu thêm để biết được thực chất ống kính có phải gắn các thấu kính hay chỉ là các “thấu nhựa” trước khi quyết định có nên chọn sử dụng hay không.
Ống chuyển đổi tê-lê (tele-converters)
Các ống chuyển đổi tê-lê là giải pháp “nghèo” giúp người chơi ảnh chuyển đổi các ống kính có tầm tiêu cự ngắn thành các ống kính có tính năng chụp xa như các ống kính tê-lê thực thụ. Đây là các ống nối gắn vào đuôi ống kính để tăng tầm tiêu cự của ống. Tuy nhiên, sau khi gắn ống chuyển đối tê-lê hình ảnh đa phần đều xuống cấp, giảm chất lượng và độ nét. Cực chẳng đã bạn hãy chơi những ống chuyển đổi này, Bống Bống Bang Bang….!
VinaCamera.com
Ngày cuối cùng của năm 2008
____________________________________________________________
Có nhiều tiêu chí đánh giá một ống kính để lựa chọn phù hợp; tuy nhiên, không phải bài đánh giá nào cũng sử dụng hết các tiêu chí do giới hạn của từng bài. Các tiêu chí đánh giá chung nhất:
Cấu trúc:
- Dành cho thân toàn khổ hay thân có cảm biến cúp nhỏ
- Trọng lượng, kích thước
- Chất liệu, độ bền, độ chắc chắn; vỏ ống
- Số lượng thấu kính, nhóm thấu kính
- Các loại chất liệu kính sản xuất thấu kính
- Các loại lớp tráng phủ thấu kính
- Số lượng lá khẩu
- Các cơ chế và vòng điều chỉnh khẩu độ, tiêu cự căn nét, chuyển đổi tự động/thủ công
- Các lẫy, nút chức năng như chống rung, khóa, v.v…
Tính năng:
- Tiêu cự cố định hay thay đổi (zoom), zoom bao nhiêu lần
- Tầm tiêu cự dài hay ngắn
- Khẩu độ mở tối đa, khẩu độ mở cố định hay thay đổi theo tiêu cự dài ngắn
- Khả năng căn nét tự động nhanh hay chậm, độ chính xác căn nét tự động, căn nét êm hay ồn
- Có chống rung hay không, chống rung được bao nhiêu khẩu.
Chất lượng hình ảnh:
- Độ sắc nét; độ sắc nét ở các tiêu cự khác nhau (với ống zoom)
- Cầu sai, sắc sai; cầu sai, sắc sai ở các tiêu cự khác nhau (với ống zoom)
- Độ tương phản giữa các vùng sáng tối
- Màu sắc ảnh
- Khả năng triệt tiêu lóa, bóng ma
- Bokeh (các vòng tròn sáng nhòa mờ ở hậu cảnh)
- Các hiện tượng tối góc và mép khuôn hình (vignetting)
- Độ phận giải (khả năng phân biệt rõ các chi tiết hình ảnh đi qua các thấu kính)
VinaCamera.com
No comments:
Post a Comment